fbpx
Hotline: 0917 402 577 / 0947 802 266
Tiếng ViệtEnglish

Dịch COVID-19 và một chữ Tình thấu suốt nhân gian

Chữ Tình, một lần nữa được đặt ra trong những ngày này, thời sự cả nước đang sôi lên câu chuyện dịch bệnh đe dọa quay lại, thành phố Đà Nẵng lại trở thành tiền đồn chống dịch, phải thực hiện giãn cách xã hội để ngăn chặn mọi nguy cơ lây lan sau khi phát hiện ra các ca nhiễm COVID-19 trên địa bàn.

Đó là một ngày cuối hạ, tôi lững thững ghé qua nhà thầy tôi ở số 7 Hà Nội (Huế). Thầy trò tôi có phương pháp dạy và học chữ Hán rất tương tác, thầy đặt những câu hỏi, câu đố cho tôi tự giải thích, qua đó tôi sẽ học những từ mới, cách chiết tự và giảng nghĩa cụ thể.

Dịch COVID-19 và một chữ Tình thấu suốt nhân gian

Giữa hai thầy trò cũng đã quy ước, nếu thầy đi vắng sẽ để mẩu giấy đố chữ dưới cửa. Tôi đọc thấy hai câu: “Tỏ mắt thấy trời quang/ Mới hay lòng thương mến”.

Ngẫm một lát, tôi viết chữ Tình vào giấy và đặt trả lại chỗ cũ. Thế là đã học xong bài hôm ấy.

Sở dĩ tôi chọn chữ Tình, vì thực tế trong Hán tự, chữ Tình phổ biến nhất có ba chữ:

Chữ Tình thứ nhất là chữ Tình (情) cảm, gồm bộ Tâm (trái tim) đứng trước và chữ Thanh (màu xanh) đứng sau. Một trái tim tươi xanh, ấy là trái tim đậm tình.

Chữ Tình thứ hai là chữ Tình (晴) thiên, gồm bộ Nhật (mặt trời) đứng trước và chữ Thanh (màu xanh) đứng sau. Mặt trời lên, bầu trời xanh, ấy là trời quang mây tạnh.

Chữ Tình thứ ba là chữ Tình (睛) nhãn, gồm bộ Mục (con mắt) đứng trước và chữ Thanh (màu xanh) đứng sau. Con mắt nhìn thấy màu xanh là nhờ có con ngươi bên trong.

Với ba chữ Tình ấy, rõ ràng hợp thành hai câu trên.

Dĩ nhiên với nhiều người, sự phân biệt này là khó xảy ra. Đa phần người ta nghe nói đến chữ Tình, đều nghĩ đến chữ Tình có nghĩa diễn tả tâm tình, yêu thương, tình cảm… Câu quen thuộc người ta hay nhắc đến, chỉ là “hỏi thế gian tình là gì” một cách bi thương thấu cảm, đậm màu tình ái mà thôi.

Bởi thế, mới có những nhầm lẫn nhất định khi người đời đọc lại thơ cổ, gặp những câu như “Tình xuyên lịch lịch Hán Dương thụ, phương thảo thê thê Anh Vũ châu” (Hoàng Hạc Lâu, Thôi Hiệu) … cứ đinh ninh tác giả nói về tình yêu thương, chứ không phải tả cảnh trời quang tươi đẹp sau cơn mưa.

Bởi thế, khi nói đến một chữ Tình, người ta phải biện luận suy xét, xem có đúng chính xác ngữ cảnh đề cập hay không, mà dẫn ra chữ Tình đích xác.

Trong những ngày này, thời sự cả nước đang sôi lên câu chuyện dịch bệnh đe dọa quay lại, thành phố Đà Nẵng lại trở thành tiền đồn chống dịch, phải thực hiện giãn cách xã hội để ngăn chặn mọi nguy cơ lây lan sau khi phát hiện ra các ca nhiễm COVID-19 trên địa bàn.

Có rất nhiều bàn luận, và cả những clip, tranh từ biếm họa, đàm tiếu về những nguy cơ đe dọa, có cả những lý luận bài xích, ly gián Đà Nẵng với xung quanh. Những suy nghĩ tiêu cực ấy, cần phải được suy xét lại, thậm chí phải lên án nghiêm túc. Bởi lẽ trong bối cảnh này, chữ Tình, lại một lần nữa đáng đặt ra.

Có người nhìn vào thực tiễn này, nói ra hai chữ Tình hình. Quả nhiên, bên cạnh ba chữ Tình đã nói, Hán văn còn có một chữ Tình nữa, hay được viết và đọc là chữ Thỉnh (請), gồm bộ Ngôn (lời nói) đứng trước, chữ Thanh (màu xanh) phía sau. Lời nói gợi lên sự thông cảm, ấy là Thỉnh, nghĩa là cầu xin. Chữ này, thật ra đọc là chữ Tình, có nghĩa là Tình hình, tức bối cảnh, hiện trạng.

Nếu người dùng gộp bốn chữ Tình lại, sẽ là diễn tả nội dung: Hãy dùng con mắt thấu suốt để xem xét rõ tình hình cụ thể, qua đó cân nhắc, bình tĩnh xử lý với niềm tin ngày mai trời lại quang sáng. Dùng cái tâm ấy để đối đãi với nhau trong hoàn cảnh cụ thể, ấy là người thấu tình đạt lý.

Nhớ chuyện học chữ ngày nào, nhìn lại câu chuyện hiện hữu, tôi chỉ mong rằng, trong những ngày tháng này, mọi người cần sáng mắt sáng lòng, vững vàng đối mặt khó khăn, đoàn kết sẻ chia, tin tưởng vào ngày mai tươi đẹp, mà giữ vẹn vẻ tình cảm với nhau.

Ấy chính là một chữ Tình thấu suốt nhân gian!

Nguồn: Dulich.laodong.vn

Thật hạnh phúc khi được bạn đánh giá 5 sao cho bài viết này!
Lượt xem: 486

Bài viết liên quan