fbpx
Hotline: 0917 402 577 / 0947 802 266
Tiếng ViệtEnglish

Cần hiểu đúng từ dùng khuyến mại và khuyến mãi

Một số cơ quan truyền thông, báo chí gần đây, bám sát các chương trình vận động kích cầu sau dịch bệnh, đã liên tục có các bài viết ghi nhận, phản ảnh những hoạt động, kế hoạch tích cực. Tuy nhiên, không ít thông tin trao đổi theo đó lại thiếu sự chuẩn xác, đặc biệt với các khái niệm kinh doanh thị trường như khuyến mãi, khuyến mại… Từ ngữ dùng không chính xác đã gây không ít hiểu lầm và ảnh hưởng tâm lý các doanh nghiệp.

Thực tế về sử dụng ngôn ngữ, các khái niệm liên quan đến kinh doanh, thị trường, thì phổ biến nhất vẫn là nhầm lẫn giữa hai khái niệm khuyến mãi và khuyến mại.

Thậm chí, mặc dù thông tin chính thức từ các cơ quan đơn vị tổ chức đưa ra đã ghi rõ khuyến mại hay khuyến mãi, nhiều bài viết ghi nhận vẫn dùng sai từ. Điều này thật sự đáng tiếc và phải chấn chỉnh ngay.

Mãi là mua, mại là bán

Theo các tự điển Việt Hán ghi nhận, hai chữ mại và mãi có nội dung đối ngược nhau.

Chữ mãi (買) có nghĩa là mua, chỉ hành động của người tiêu dùng với hàng hóa. Chữ này được chiết tự để hiểu nghĩa, gồm bộ mục (nghĩa là con mắt) ở phía trên, và bộ bối (vỏ sò, chỉ về đồng tiền) phía dưới. Một hành động trao đổi tiền bạc diễn ra rõ ràng trước mắt, đó là mua, chính là chữ mãi.

Còn chữ mại (賣), có nghĩa là bán, chỉ về hành động của người kinh doanh hàng hóa. Chữ này cũng được chiết tự để hiểu nghĩa, là bộ sĩ (người học trò) ở phía trên, và chữ mãi ở phía dưới. Bộ sĩ ở đây được chỉ về người có học hành, hàm nghĩa hành động có chứng thực, trao đổi, xác tín với nhau; nghĩa là việc mua hàng hóa được xác tín rõ ràng giữa hai bên, đó là bán ra. Cũng có ý giải nghĩa, người bán hàng, tức chủ tiệm, quầy hàng, thường biết chữ, biết ghi chép, nên hành vi giao tiếp diễn ra với người này, là bán.

Với sự tách bạch về nghĩa chữ như vậy, mãi và mại dùng trong tiếng Việt không hề đồng nhất. Theo đó, từ dùng “khuyến mãi”, hay “khuyến mại” là hàm nghĩa khác nhau, nhắm vào hai đối tượng khác nhau và chỉ về hai đối tượng chủ thể khác nhau.

Khuyến (勸) là từ Hán Việt, có nghĩa là động viên, khích lệ, cổ vũ.

Khuyến mãi, có nghĩa là động viên sức mua. Đây là hoạt động thuộc về các chủ thể bán hàng, người kinh doanh, nhằm kích thích, mời gọi người tiêu dùng tăng hành vi mua hàng. Đó có thể là các hoạt động, chương trình như giảm giá hàng bán ra, tặng kèm quà tặng cho người mua hàng, hay gia tăng các dịch vụ khác, ví dụ miễn phí vận chuyển, đóng gói, cho phép đổi trả lại hàng hóa, hoặc tăng thời gian bảo hành sản phẩm bán ra… Đối tượng chủ thể chính của hoạt động khuyến mãi, chính là người bán hàng.

Khuyến mại, ngược lại, có nghĩa là động viên sức bán. Đây là hoạt động thuộc về các nhà sản xuất, nhà kinh doanh lớn (đại lý bán sỉ), các hiệp hội nghề nghiệp, kinh doanh, hay các nhà quản lý, cơ quan chức năng muốn hỗ trợ, vận động thị trường tăng trưởng tốt hơn. Các chương trình, chính sách được đưa ra khuyến mại, có thể là giảm giá gốc sản phẩm cho người mua số lượng lớn (nhà buôn, cơ sở bán hàng), chiết khấu hoa hồng cao, tặng sản phẩm thêm, bán hàng kèm sản phẩm…

Phía các cơ quan chức năng, hỗ trợ khuyến mại có thể thực hiện giãn thuế, vận động nhà sản xuất, ngân hàng giảm lãi suất cho vay, tổ chức các hoạt động thị trường kích thích người mua, vận động người tiêu dùng tăng sức mua hàng hóa… Tất cả nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người bán hàng có lợi nhuận tốt hơn, có nhiều cơ hội phát triển, tăng trưởng hơn. Chủ thể đối tượng khuyến mại, vì thế chính là người sản xuất, các hiệp hội hỗ trợ và nhà quản lý, cơ quan chức năng.

Thị trường hậu COVID-19 cần khuyến mại!

Ghi nhận từ các chương trình kích cầu đang diễn ra ở các địa phương cho thấy, sau khi dịch bệnh COVID-19 đi qua, thị trường tiêu dùng bị suy thoái trầm trọng, buộc các nhà kinh doanh phải tính toán khôi phục lại. Các nhà quản lý, hiệp hội, các nhà máy sản xuất… đều nhận thức trách nhiệm chung tay, nên quyết định cùng tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ người bán hàng. Từ đó, nhiều chương trình kích cầu đã và đang được tổ chức, nhắm vào khả năng khôi phục hiện trạng kinh doanh cho các nhà buôn, chủ cửa hàng…

Những động thái tổ chức các hoạt động hội chợ, triển lãm, vận động xã hội tiêu dùng gia tăng hiện nay, vận động các doanh nghiệp giảm giá, tăng chất lượng các dịch vụ gia tăng… thực chất đều nhắm vào người bán hàng để cổ vũ, động viên họ quay lại làm ăn. Do đó, những hoạt động này đều nhằm khuyến mại, chứ không thể gọi là khuyến mãi.

Dĩ nhiên khi tham gia các chương trình khuyến mại này, đến lượt mình, các nhà buôn, chủ cửa hàng, cơ sở kinh doanh lại có động thái kích cầu người tiêu dùng, bằng cách cân đối lợi nhuận, kể cả chấp nhận bù lỗ ngắn hạn, để mời gọi, kích thích người tiêu dùng gia tăng hành vi mua hàng. Như vậy, người bán hàng sẽ thực hiện hành vi khuyến mãi trong hoạt động vận động khuyến mại chung, nhưng không vì thế mà gọi sai các chương trình.

Hai từ dùng khuyến mãi, và khuyến mại, như vậy không thể dùng nhầm, và trong bối cảnh thị trường đang khôi phục hiện nay, hoạt động chính yếu là khuyến mại. Những người làm truyền thông nên nắm đúng nghĩa từ để sử dụng ngôn từ chính xác, mới có thể hỗ trợ, điều hướng hành vi thị trường đi đúng mục tiêu và giá trị đề ra của các hoạt động xúc tiến thương mại!

Nguồn Laodong.vn

Thật hạnh phúc khi được bạn đánh giá 5 sao cho bài viết này!
Lượt xem: 778

Bài viết liên quan