Những ngày này, nhiều bản làng vùng cao xã Ngọc Chiến, huyện Mường La, tỉnh Sơn La đâu đâu cũng ngập tràn trong sắc trắng tinh khôi của hoa sơn tra.
Mùa sơn tra thường nở từ giữa tháng 2 và kéo dài đến đầu tháng 4 dương lịch. Nhưng thời điểm hoa sơn tra đẹp “quyến rũ” nhất là tháng 3.
Nơi rẻo cao, hoa sơn tra đua sắc, thi nhau nở trắng núi đồi, thung khe…
… và bao quanh những nếp nhà truyền thống của đồng bào dân tộc Mông, tạo nên bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp.
Xã Ngọc Chiến có hơn 2.260 ha cây sơn tra, tập trung ở các bản Đông Xuông, bản Phày, bản Lướt, Nậm Nghiệp…
Riêng bản vùng cao Nậm Nghiệp nằm ở độ cao trung bình 2.200 mét so với mặt nước biển, có diện tích sơn tra lớn nhất với hơn 1.600 ha cây. Trong đó, có khoảng 800 ha là cây cổ thụ với tuổi đời từ 300 – 500 năm.
Trung bình, đường kính của gốc cây sơn tra ở Nậm Nghiệp là từ 60 – 80 cm, có nhiều cây cổ thụ gốc lớn đủ để hai người ôm.
Cây sơn tra đã gắn bó với đồng bào dân tộc Mông ở bản Nậm Nghiệp nhiều đời nay, là cây xóa đói giảm nghèo, phủ xanh đất trống, đồi trọc. Vào mùa quả sơn tra từ tháng 9 tháng 10 hằng năm, bà con Nậm Nghiệp thu về trên 3.000 tấn quả tươi.
Hoa sơn tra có màu trắng tinh khôi như hoa mận, nhụy màu vàng…
Sơn tra kết thành tùng chùm, mỗi bông từ 4 đến 5 cánh.
Nếu hoa ban được coi như thể hiện sự thanh cao, chân thành và một tình yêu thủy chung, gắn bó của đồng bào dân tộc Thái; thì hoa sơn tra lại thể hiện sự dung dị, mộc mạc, biểu tượng cho sức sống bền bỉ, kiên cường của đồng bào dân tộc Mông.
Bản vùng cao Nậm Nghiệp cũng là địa điểm lý tưởng để “săn mây” trong mùa sơn tra nở hoa.
Với sự hội tụ các lợi thế, tiềm năng về khí hậu, thiên nhiên và những nét hoang sơ, độc đáo của đồng bào dân tộc Mông, bản Nậm Nghiệp mang nhiều nét đặc sắc nhất của du lịch Ngọc Chiến.
Nhiều du khách chia sẻ, nếu đến Ngọc Chiến mà chưa ghé thăm bản vùng cao Nậm Nghiệp, thì đó là hành trình, trải nghiệm chưa thực sự trọn vẹn./.
Nguồn: vov.vn